Ngũ hành tương sinh tương khắc là hai quy luật cốt lõi trong thuyết ngũ hành mà cổ nhân đã phát hiện ra. Vậy ngũ hành tương sinh là gì, ngũ hành tương khắc là gì? Tại sao phải sinh, tại sao phải khắc? Tương sinh có phải là tốt, tương khắc có phải là xấu? Trong bài viết này, tôi sẽ giải đáp toàn bộ những vấn đề liên quan đến hai quy luật ngũ hành tương sinh và ngũ hành tương khắc để giúp các bạn có thể hiểu thật rõ về chúng.
Mục lục bài viết
Sơ lược về ngũ hành
Ngũ hành là gì
Ngũ hành là năm yếu tố cơ bản tạo nên thế giới này, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi yếu tố (hay ta còn gọi là hành) tượng trưng cho một loại trạng thái vận động của vật chất trong tự nhiên, cụ thể như sau:
- Hành Kim: tượng trưng cho trạng thái co kết lại của vật chất. Vì vậy, nó có đặc tính là hấp thu, hướng vô trong, cứng, vật chất đại diện là Kim loại.
- Hành Mộc: tượng trưng cho trạng thái giản nở ra của vật chất. Vì vậy, nó có đặc tính là sinh sôi, hướng ra ngoài, mềm, vật chất đại diện là Cây cối.
- Hành Thủy: tượng trưng cho trạng thái lưu chuyển của vật chất. Vì vậy, nó có đặc tính là kết dính, lỏng, hướng xuống dưới, vật chất đại diện là Nước.
- Hành Hỏa: tượng trưng cho trạng thái bùng phát của vật chất. Vì vậy nó có đặc tính là rời rạc, khí, hướng lên trên, vật chất đại diện là Lửa.
- Hành Thổ: tượng trưng cho trạng thái lắng đọng của vật chất. Vì vậy nó có đặc tính ôn dưỡng, bao bọc, tĩnh lặng, vật chất đại diện là Đất.
Đặc tính chung của ngũ hành
Ngoài đặc tính riêng của bản thân, ngũ hành còn có 3 đặc tính chung, đó là:
- Lưu hành: có thể tồn tại và hoạt động trong tự nhiên. Ví dụ: ta có thể tạo ra lửa và giữ chúng tồn tại thật lâu.
- Luân chuyển: có thể di chuyển qua lại khắp nơi. Ví dụ: ta có thể di chuyển lửa đi nơi khác và trở lại.
- Biến đổi: có thể tương tác và biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Ví dụ: cây (mộc) khi bị đốt sẽ biến thành tro đất (thổ).
Nhờ 3 đặc tính chung này mà các hành có thể tác động qua lại lẫn nhau, đây chính là cơ sở hình thành nên quy luật tương sinh và tương khắc của ngũ hành.
Ngũ hành tương sinh tương khắc
Ngũ hành tương sinh tương khắc là một quy luật thể hiện mối quan hệ tương sinh (hổ trợ, thúc đẩy nhau phát triển) và tương khắc (áp chế, cản trở nhau phát triển) giữa các hành với nhau, dựa trên một khái niệm căn bản là mỗi một loại hành đều chịu 4 loại ảnh hưởng của 4 hành còn lại, đó là:
- Được sinh: tức là mình được hành khác thúc đẩy, hổ trợ để tồn tại và phát triển. Ví dụ: Cây cối (Mộc) được nước (Thủy) tưới tắm, vận chuyển chất dinh dưỡng vô trong nên mới có thể phát triển, nên ta nói Mộc được Thủy sinh.
- Sinh: tức là mình thúc đẩy, hổ trợ cho hành khác tồn tại và phát triển. Ví dụ: Cây cối (Mộc) ở nhiệt độ cao sẽ khô héo và chết đi, khi bốc cháy sẽ sinh ra lửa (Hỏa), nên ta nói Mộc sinh Hỏa.
- Khắc: tức là mình áp chế, cản trở khiến hành khác không thể tồn tại và phát triển. Ví dụ: Cây cối (Mộc) đâm rễ vào đất, hút chất dinh dưỡng từ Đất (Thổ) và làm đất không còn màu mỡ, nên ta nói Mộc khắc Thổ.
- Bị khắc: tức là mình bị hành khác áp chế, cản trở khiến mình không thể tồn tại và phát triển. Ví dụ: Cây cối (Mộc) bị vật liệu kim loại sắc bén (Kim) chặt đứt, không thể sinh trưởng, nên ta nói Mộc bị Kim khắc.
Căn cứ vào 4 loại ảnh hưởng này mà hình thành các mối quan hệ tương sinh (gồm sinh và được sinh) và tương khắc (gồm khắc và bị khắc) giữa các hành, mục đích là để hướng tới sự cân bằng ngũ hành.
Ngũ hành tương sinh
Ngũ hành tương sinh là quy luật thể hiện các mối quan hệ (sinh và được sinh) hỗ trợ, thúc đẩy nhau tồn tại và phát triển giữa các hành. Có năm mối quan hệ như sau:
- Thủy sinh Mộc: Nước tưới tắm cho cây khiến cây mát mẻ, giúp cây vận chuyển chất dinh dưỡng từ đất vô trong, cây nhờ vậy mà phát triển và vươn lên, nên nói Thủy sinh Mộc.
- Mộc sinh Hỏa: Cây ở nhiệt độ cao sẽ mất nước và khô héo, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng thì sẽ bùng phát ra lửa, cây càng khô thì lửa càng cháy nhanh và mạnh, nên nói Mộc sinh Hỏa.
- Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy vạn vật thành tro bụi, tro bụi khi lắng đọng lại sẽ đùn lên thành đất, nên nói Hỏa sinh Thổ.
- Thổ sinh Kim: Các khoáng chất nằm trong đất, nhờ sự lắng đọng của đất qua hàng trăm triệu năm mà co kết lại thành quặng kim loại, đá quý, nên nói Thổ sinh Kim.
- Kim sinh Thủy: Kim loại khi bị nung nóng tới nhiệt độ nóng chảy sẽ chuyển thành chất lỏng lưu chuyển như nước, nên nói Kim sinh Thủy.
Ngũ hành tương khắc
Ngũ hành tương khắc là quy luật thể hiện các mối quan hệ (khắc và bị khắc) áp chế, cản trở nhau tồn tại và phát triển giữa các hành. Có năm mối quan hệ như sau:
- Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành vũ khí sắc bén có thể chặt đứt cây, làm cây không thể sinh sôi phát triển, nên nói Kim khắc Mộc.
- Mộc khắc Thổ: Rễ cây đâm vào đất, hút chất dinh dưỡng, khiến cho đất mất đi sự màu mỡ, nên nói Mộc khắc Thổ .
- Thổ khắc Thủy: Đất có thể ngăn chặn và hấp thụ nước, khiến nước không thể lưu chuyển, nên nói Thổ khắc Thủy.
- Thủy khắc Hỏa: Nước có thể dập tắt lửa, làm cho lửa không thể bùng phát, nên nói Thủy khắc Hỏa.
- Hỏa khắc Kim: Lửa có thể làm tan chảy kim loại, làm cho kim loại mất đi sự cứng cáp và bền vững, nên nói Hỏa khắc Kim.
Ý nghĩa của ngũ hành tương sinh tương khắc
Tại sao phải sinh, tại sao phải khắc?
Thủy sinh cho Mộc, cũng có nghĩa là Thủy bị Mộc hút nên sẽ ít đi; tương tự, Mộc sinh Hỏa thì Mộc cũng bị đốt cháy và biến thành tro, v.v…. Vậy tại sao phải sinh?
Thủy khắc Hỏa, nhưng vì thế Thủy cũng bốc hơi một phần; Kim khắc Mộc, nhưng Kim cũng sẽ bị mòn đi một phần v.v… Vậy tại sao phải khắc?
Thật ra, sự tương sinh và tương khắc của các hành không phải là bản tính tiên thiên, tức là không phải sinh ra đã có. Hỏa là hỏa, thổ là thổ, kim là kim, thủy là thủy, mộc là mộc, nếu không có gì tác động, chúng vẫn mãi mãi tồn tại, đâu cần phải đi sinh đi khắc để tồn thương mình.
Vậy quy luật tương sinh và tương khắc từ đâu mà có? Chính là bắt nguồn từ một quy luật cổ xưa hơn, đó là Đạo.
Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc – Đạo đức kinh.
Câu này có thể dịch là “Theo luật trời, lấy chỗ dư bù chỗ thiếu”. Nghĩa là, cái gì dư thì bị lấy bớt để bù cho cái thiếu: cao thì áp chế, thấp thì nâng lên, dư thì lấy bớt, thiếu thì bổ sung thêm.
Các bạn có để ý trong khoa học cũng có những quy luật tương tự: không khí luôn đi từ nơi có chênh lệch áp suất cao đến nơi có chênh lệch áp suất thấp; vật càng đặc, càng cao thì trọng lượng càng nặng, lực hút xuống càng lớn; vật càng loãng, càng thấp thì trọng lượng càng nhẹ, lực hút xuống càng nhỏ.
Đây chính là quy luật của tự nhiên, nguồn gốc của quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc: hành nào mạnh thì bị khắc chế và lấy bớt đi để bù cho hành yếu. Mục đích là để cân bằng ngũ hành, cân bằng vạn vật.
Ví dụ: Ta thấy rằng nơi nào có đất có nước nhiều thì cây cối sẽ phát triển để hút nước và hấp thu chất dinh dưỡng của đất; nơi nào thức ăn phong phú thì sẽ có những động thực vật phát triển để đoạt lấy; không khí nóng lên sẽ làm nước bay hơi, tụ lại thành mây và đổ mưa xuống làm mát lại v.v… Đây chính là cân bằng ngũ hành.
Hệ quả của ngũ hành tương sinh tương khắc
Ngũ hành tương sinh có phải là tốt, ngũ hành tương khắc có phải là xấu? Không.
Quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc chỉ là một quy luật tự nhiên, thể hiện các mối quan hệ tương sinh và tương khắc giữa các hành, mục đích là hướng tới sự cân bằng tự nhiên, chứ không phân biệt tốt hay xấu.
Đôi khi vì phải sinh nhiều quá mà yếu, hay phải khắc nhiều quá mà bị hư hại, hoặc đôi khi nhờ có khắc mới vững vàng v.v… Nguyên do là có sự chênh lệch về số lượng hay chất lượng giữa hành sinh và hành được sinh, hành khắc và hành bị khắc mà dẫn tới. Ví dụ: Thủy sinh cho quá nhiều Mộc nên Thủy bị cạn kiệt, Kim khắc quá nhiều Mộc nên Kim bị mòn; hay Mộc nếu nhiều quá sẽ rậm rạp, lúc này nếu được Kim cắt tỉa bớt sẽ thông thoáng dễ phát triển hơn v.v…
Sau đây là những quy luật ngũ hành diễn sinh ra từ hệ quả của hai quy luật ngũ hành tương sinh và tương khắc.
Ngũ hành sinh khắc
Ngũ hành sinh khắc là khi hành bị khắc vượng (mạnh) quá, cần có hành khắc nó áp chế vừa phải thì mới có thể cân bằng, trở thành vật hữu dụng. Lúc này hành khắc bây giờ có tác dụng hỗ trợ (sinh) đối với hành bị khắc, nên gọi là sinh khắc.
- Kim bị Hỏa khắc, nhưng Kim vượng gặp Hỏa thì có thể được rèn đúc thành vũ khí có ích.
- Hỏa bị Thủy khắc, nhưng Hỏa vượng gặp Thủy thì có thể được khống chế để nấu nướng, rèn đúc.
- Thủy bị Thổ khắc, nhưng Thủy vượng gặp Thổ thì biế thành ao hồ, nuôi chứa vạn vật.
- Thổ bị Mộc khắc, nhưng Thổ vượng gặp Mộc thì có thể thông vận, thành ruộng đồng nuôi trồng.
- Mộc bị Kim khắc, nhưng Mộc vượng gặp Kim thì Mộc sẽ thành trụ cột, vững chắc vươn cao.
Ngũ hành phản sinh
Ngũ hành phản sinh là hành được sinh quá mạnh hấp thu lấn át cả hành sinh ra nó, lúc này hành được sinh khiến cho hành sinh suy yếu nên gọi là phản sinh.
- Kim sinh thủy, nhưng thủy nhiều thì kim chìm, thủy có thể làm hao mòn kim.
- Hỏa sinh thổ, nhưng thổ nhiều thì hỏa ám, khó phát ra.
- Mộc sinh hỏa, nhưng hỏa nhiều thì mộc bị cháy nhanh.
- Thủy sinh mộc, nhưng mộc nhiều thì thủy bị hấp thu mau chóng, nhanh cạn kiệt.
- Thổ sinh kim, nhưng kim nhiều thì thổ ít đi.
Ngũ hành phản khắc
Ngũ hành phản khắc là hành bị khắc quá mạnh áp chế lại hành khắc nó, lúc này hành bị khắc khiến cho hành khắc nó suy yếu nên gọi là phản khắc.
- Kim khắc mộc, nhưng mộc nhiều thì kim nhanh bị mẻ.
- Hỏa khắc kim, nhưng kim nhiều thì hỏa tắt.
- Mộc khắc thổ, nhưng thổ nhiều thì mộc bị ép khó vươn lên.
- Thủy khắc hỏa, nhưng hỏa nhiều thì thủy bị đốt cháy khô cạn.
- Thổ khắc thủy, nhưng thủy nhiều thì thổ bị thủy cuốn trôi.
Ngũ hành khắc sinh
Ngũ hành khắc sinh là hành sinh quá mạnh, mà hành được sinh lại yếu không hấp thu kịp nên bị áp chế, lúc này hành sinh lại áp chế hành được sinh, nên gọi là khắc sinh.
- Kim được thổ sinh, nhưng thổ nhiều thì kim bị che lấp.
- Hỏa được mộc sinh, nhưng mộc tươi, dày thì hỏa khó cháy.
- Thủy được kim sinh, nhưng kim nhiều thì thủy đặc, khó lưu thông.
- Mộc được thủy sinh, nhưng thủy nhiều thì mộc nhủn, không lớn được.
- Thổ được hỏa sinh, nhưng hỏa nhiều thì thổ khô nám.
Ngũ hành phản cực
Ngũ hành phản cực là khi một hành phát triển quá mạnh tới cực thịnh mà không có hành nào áp chế nó, dẫn đến nó tự phản chính mình, nên gọi là phản cực.
- Kim chủ cứng, nhưng cứng quá thì dễ gảy
- Thủy chủ lưu chuyển, nhưng lưu chuyển nhiều quá thì thành giông bão, sóng thần.
- Mộc chủ phát triển, nhưng phát triển nhiều quá thì âm u, kiềm chế lẫn nhau.
- Hỏa chủ bùng phát, nhưng bùng phát nhiều quá thì nén ép lẫn nhau.
- Thổ chủ lắng đọng, nhưng lắng đọng nhiều quá thì thành đè nén, khó thông.
Sơ đồ ngũ hành tương sinh tương khắc
Sơ đồ sau đây là một hình ảnh tóm gọn lại các quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành. Các bạn có thể dùng nó để đúc kết lại những thông tin đã đọc.
Ứng dụng của ngũ hành tương sinh tương khắc
Các quy luật sinh khắc của ngũ hành được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến ba lĩnh vực có nhiều đóng góp nhất trong đời sống là phong thủy, y học cổ truyền và dịch lý.
Ứng dụng ngũ hành tương sinh tương khắc trong phong thủy
Theo phong thủy, mỗi người khi sinh ra đều có một vận mệnh riêng được thể hiện thông qua ngũ hành. Nhờ vào các quy luật ngũ hành tương sinh và tương khắc cùng với các quy luật diễn sinh từ chúng, ta có thể tìm ra những hành khuyết yếu trong vận mệnh. Từ đó, ta sử dụng phong thủy để cải thiện, bổ sung cho những hành khuyết yếu ấy.
- Hành Mộc tương ứng với phía Đông và Đông Nam, khu vực ấm áp.
- Hành Hỏa tương ứng với phía Nam, khu vực nhiệt nóng.
- Hành Thổ tương ứng với phía Trung tâm, Tây Nam và Đông Bắc, khu vực trung tính.
- Hành Kim tương ứng với phía Tây và Tây Bắc, khu vực mát mẻ.
- Hành Thủy tương ứng với phía Bắc, khu vực hàn lạnh.
Các phương hướng này có mối quan hệ tương sinh và tương khắc theo quy luật ngũ hành, chúng được dùng để chọn nơi sinh sống, bố trí nhà cửa, nội thất, vật phẩm hoặc chọn hướng theo hành khuyết yếu của mỗi người.
Ứng dụng ngũ hành tương sinh tương khắc trong y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, ngũ hành được liên kết với các tạng phủ trong cơ thể con người, khi tạng phủ nào đó có vấn đề thì hành tương ứng với tạng phụ đó cũng có vấn đề như bị khắc, phản khắc, phản sinh, khắc sinh, phản cực.
- Mộc tương ứng với gan và mật.
- Hỏa tương ứng với tim và tiểu tràng.
- Thổ tương ứng với tỳ và vị.
- Kim tương ứng với phế và đại tràng.
- Thủy tương ứng với thận và bàng quang.
Thông qua quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc, ta có thể tính toán và sử dụng những phương thuốc có tác dụng hổ trợ hành yếu hay khắc chế hành gây bệnh.
Ứng dụng ngũ hành tương sinh tương khắc trong dịch lý
Trong dịch lý, ngũ hành được liên kết với các yếu tố thời gian là thiên can và địa chi.
Mười can gồm: Giáp Ất là Mộc, Bính Đinh là Hỏa, Mậu Kỷ là Thổ, Canh Tân là Kim, Nhâm Quý là Thủy.
Địa chi là mười hai con giáp gồm: Hợi Tý là Thủy, Dần Mão là Mộc, Tỵ Ngọ là Hỏa, Thân Dậu là Kim, Thìn Tuất Sửu Mùi là Thổ.
Thiên can và địa chi được kết hợp tạo thành năm tháng ngày giờ (tứ trụ). Dựa vào tứ trụ lúc sinh của một người và quy luật ngũ hành tương sinh và tương khắc, ta có thể dự đoán được tính cách, sở thích và vận mệnh của người ấy, đồng thời tìm ra phương pháp để cải tạo vận mệnh như: đặt tên theo phong thủy, chọn nghề nghiệp, chọn hướng nhà, chọn sim phong thủy v.v….
Tham khảo thêm:
- Mệnh khuyết là gì? Cách tính mệnh khuyết theo ngày tháng năm sinh
- Làm sao để biết mình mệnh gì, hợp màu gì
- Hướng dẫn chi tiết cách đổi vận cho người mệnh khuyết
Lời kết
Quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc lý giải cách mà thế giới chúng ta đang vận hành. Thông qua quy luật sinh khắc của chúng, ta có thể dự đoán được trạng thái hiện tại và chiều hướng phát triển của vạn vật. Từ đó có thể đưa ra những phương án hữu hiệu để cải thiện mọi thứ theo ý mình.
Bài viết đến đây là kết thúc. Nếu bạn thấy bài viết có ích, hãy chia sẻ cho những người khác nhé. Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn có thể để lại bình luận hay liên hệ qua website hoặc facebook. Cám ơn bạn đã xem.
Tài liệu tham khảo:
Học thuyết ngũ hành – Wikiversity.org
Đạo đức kinh – Wikipedia
Trả lời