Hiện nay có rất nhiều thông tin về tên ngũ hành, nhưng phần lớn là liệt kê các tên theo từng nhóm ngũ hành chứ không giải thích cho mọi người biết tại sao cái tên này lại mang hành này, tên kia lại mang hành kia. Điều này sẽ khá là nguy hiểm nếu cứ áp dụng thẳng vào mà không biết nguyên lý. Vậy làm sao biết tên thuộc hành gì? Trong bài viết này, tôi sẽ cho các bạn cách xác định ngũ hành của tên và nguyên nhân tại sao cần phải biết.
Mục lục bài viết
Tại sao cần phải biết cách xác định ngũ hành của tên
Thực tế mỗi một cái tên đều không chỉ chứa một loại hành, tùy vào từng trường hợp mà nó có thể mang hành này hoặc hành khác. Nếu ta không hiểu nguyên lý, cách xác định ngũ hành của tên mà ta cứ mặc nhiên sử dụng có khi sẽ dẫn tới phản tác dụng.
Ví dụ: Ta thường thấy tên Minh nghĩa là thông minh, sáng sủa thuộc hành Hỏa, nhưng theo âm tiết thì chữ M thuộc âm môi là hành Thủy, còn theo ngũ thanh thì chữ Minh không có dấu thuộc hành Mộc.
Vậy làm sao biết tên thuộc hành gì? Phần tiếp theo sẽ giải đáp cho bạn.
Cách xác định ngũ hành của tên
Có nhiều cách xác định ngũ hành của tên, như theo ý nghĩa của tên, theo âm tiết, theo ngũ thanh, ngũ cách, số lượng từ, số nét chữ v.v…. Tuy nhiên xét về mặc thông dụng và hiệu quả, ta thường dùng 3 cách sau để xác định tên thuộc hành gì: theo ý nghĩa của tên, theo âm tiết và theo ngũ thanh.
Theo ý nghĩa của tên
Xác định ngũ hành của tên theo ý nghĩa tức là ta xem xét mỗi loại ngũ hành tượng trưng cho điều gì thì ta chọn những tên mang ý nghĩa tương tự như vậy.
- Hành Kim: tượng trưng cho nghĩa khí, sự mạnh mẽ, quyết đoán và thẳng thắng. Ngoài ra nó còn đại diện cho kim loại, tiền bạc trang sức trong xã hội, hướng Tây, mùa Thu, sự co lại, hội tụ, mát mẻ. Ta có thể đặt những cái tên như: Nghĩa, Trực, Thắng, Trung, Cương, Kiên, Quyết, Cường, Tân, Bảo, Thu, Thế, Văn, Vi, Tiền, Xuyến, Trang, Ngọc, Thoa, Ái v.v…
- Hành Mộc: tượng trưng cho nhân đức, sự sáng tạo, năng động, thích giao tiếp. Ngoài ra nó còn đại diện cho cây cối, mùa Xuân, hướng Đông, sự phát triển, vươn lên, ấm áp. Ta có thể đặt những cái tên như: Nhân, Đông, Hướng, Cao, Hiền, Phúc, Phước, Tùng, Mai, Lan, Cúc, Trúc, Thảo, Hạnh, Huệ, Xuân, Thư, Trà, Quỳnh, Hoa v.v…
- Hành Thủy: tượng trưng cho trí tuệ, sự cảm thông, nhạy cảm, thích nghi. Ngoài ra nó còn đại diện cho nước, hướng Bắc, sự lưu chuyển, mát lạnh. Ta có thể đặt những cái tên như: Trí, Hải, Giang, Quý, Nhâm, Bắc, Du, Thông, Hiểu, Băng, Thủy, Uyên, Thẩm, Di, Hà, Sương, Nhung v.v…
- Hành Hỏa: tượng trưng cho lễ nghi, sự phóng khoáng, sôi nổi, lạc quan. Ngoài ra hành Hỏa còn đại diện cho lửa, cái đẹp, hướng Nam, sự bùng nổ, nóng nảy. Ta có thể đặt những cái tên như: Nam, Phát, Minh, Đăng, Ánh, Dương, Quang, Tâm, Khôi, Hồng, Dung, Mỹ, Diễm, Oanh, Tiên, Tú v.v…
- Hành Thổ: tượng trưng cho tín dự, sự bao dung, nuôi dưỡng, bền bỉ và nhẫn nại. Ngoài ra hành Thổ còn đại diện cho đất núi, trung tâm, sự ngưng đọng, hài hòa. Ta có thể đặt những cái tên như: Điền, Trung, Trọng, Tín, Sơn, Tấn, Thành, Bằng, Đại, Hòa, Bích, San, Châu, Yên, Sa, Cát, Nguyên, Khuê v.v…
Theo âm tiết
Mỗi cái tên khi muốn phát ra đều phải thông qua các bộ phận bên trong miệng để tạo thành âm thanh. Âm thanh phát ra từ mỗi bộ phận này đại diện cho từng loại ngũ hành riêng biệt. Khi biết được cái tên dùng bộ phận gì để đọc lên, ta sẽ biết được nó thuộc hành gì tương ứng.
- Hành Kim âm Xỉ (răng), gồm những từ bắt đầu bằng chữ x, s, ch, i, r, nh, th. Ví dụ: Xuân, Sang, Chi, Như, Thảo, Thanh, Chung v.v…
- Hành Mộc âm Lợi, gồm những từ bắt đầu bằng chữ g, k, h, c, d, n, ng, kh, q. Ví dụ: Kim, Dung, Nguyên, Nguyễn, Hà, Công, Khanh v.v….
- Hành Thủy âm Môi, gồm những từ bắt đầu bằng chữ b, p, m, f, u, v, ph. Ví dụ: Bảo, Phúc, Minh, Viên, Vân v.v…
- Hành Hỏa âm Lưỡi, gồm những từ bắt đầu bằng chữ l, t, đ. Ví dụ: Liên, Tú, Tài, Điền, Lý v.v…
- Hành Thổ âm Họng, gồm những từ bắt đầu bằng chữ a, e, o, uy.., y. Ví dụ: Anh, Ánh, Uyên, Yến, An v.v…
Đối với những nơi không sử dụng chữ cái la tinh, ta vẫn có thể căn cứ vào việc sử dụng bộ phận nào trong miệng để phát âm mà xác định ngũ hành của tên.
Theo ngũ thanh
Âm thanh của tên khi phát ra nghe trầm lắng hay cao vút, nặng hay nhẹ đều được xác định bởi các thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Mỗi loại đều đại diện cho một loại ngũ hành riêng. Biết được cái tên có thanh gì thì ta cũng biết được nó thuộc hành gì.
- Hành Kim thanh Sắc, âm thanh sắc gọn, quyết đoán. Ví dụ: Tấn, Lý, Cúc v.v…
- Hành Mộc thanh Huyền hoặc không có thanh, âm thanh trầm lắng, kéo dài. Ví dụ: Tùng, Thành, Huyền v.v…
- Hành Thủy thanh Ngã, âm thanh uốn lượn, lưu luyến. Ví dụ: Dũng, Vũ, Mỹ v.v…
- Hành hỏa thanh Hỏi, âm thanh vươn tỏa, xoay chuyển. Ví dụ: Hải, Hỷ, Uyển v.v…
- Hành Thổ thanh Nặng, âm thanh trầm nặng. Ví dụ: Trọng, Hạ, Mạnh v.v…
Nguyên tắc xác định ngũ hành của tên
Ta thấy rằng có khá nhiều cách để xác định ngũ hành của tên. Nhưng cái nào hiệu quả nhất, cái nào kém hơn thì đến nay trong các sách hầu như chưa nói đến. Qua kinh nghiệm làm việc nhiều năm, bản thân có một đúc kết như sau, các bạn có thể tham khảo.
Trước hết ta có thể thấy nếu dựa theo âm tiết thì ở đâu cũng có thể dùng được, dù ở Việt Nam hay nước khác thì tiếng nói cũng được phát ra từ miệng và tạo ra âm tiết. Vậy đây có phải là cách hiệu quả nhất? Đừng vội, ta hãy xem 2 câu chuyện sau đã:
- 1. Nghe nói ở Hồng Kông đã từng nổ ra cuộc cạnh tranh giữa rượu Brandy Pháp và rượu Whisky Anh. Kết quả là rượu Brandy bán được 3.500.000 chai, còn rượu Whisky chỉ bán được 175.000 chai. Nguyên nhân do đâu? Theo kết quả điều tra, phát hiện vấn đề xuất phát ở tên dịch sang tiếng Hán của 2 loại rượu. Brandy dịch là “Bạch Lan Địa” – một cái tên đầy thơ ca ai cũng thích, còn Whisky thì dịch là “Uy Sĩ Kỵ” – nghĩa là dũng sĩ cũng phải kỵ, vậy thì ai dám mua.
- 2. Một cô gái đã đến tuổi lấy chồng nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý. Một người quen biết được bèn tới làm mai và nói anh này rất tốt và có duyên. Khi cô gái hỏi anh ta tên gì thì được trả lời là Nguyễn Đại Hùng. Cô này nghe xong liền cho rằng tên như thế thì sao mà có duyên và ga lăng được bèn từ chối không gặp. Tội nghiệp anh chàng kia chỉ vì cái tên mà bị hiểu lầm.
Từ hai câu chuyện trên, ta có thể thấy cho dù tên có hay có đẹp đối với ta thì có khi trong mắt người khác lại không phải vậy. Nguyên do xuất phát từ văn hóa khác nhau, quốc ngữ khác nhau, thành kiến khác nhau v.v…
Quay lại, rõ ràng mặc dù xác định ngũ hành của tên theo âm tiết là cách đặt tên đúng nhất, thuận theo tự nhiên nhất nhưng con người sống trong xã hội thì phải chịu sự chi phối của xã hội. Phép vua thua lệ làng, anh nói anh tên Nước là âm lợi hành Mộc, nhưng người ta lại nghĩ tới hành Thủy, anh tên Xui là âm Xỉ hành Kim cứng cáp, vững vàng nhưng họ lại thấy đi với anh sẽ gặp xui xẻo.
Như vậy kết luận: để xác định ngũ hành của tên, ta nên ưu tiên theo ý nghĩa là tốt nhất, sau đó là theo âm tiết, sau cùng là ngũ thanh. (Ngũ thanh mặc dù cũng phù hợp với người Việt nhưng số lượng chữ có thanh sắc, thanh huyền và không dấu chiếm ưu thế quá lớn so với thanh hỏi, ngã và nặng, rất khó để sử dụng, nên độ ưu tiên sẽ kém hơn hai cách kia. Các bạn cũng có thể sử dụng nếu muốn).
Lời kết
Tin rằng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn đã biết cách xác định ngũ hành của tên và biết được tên mình thuộc hành nào. Đối với các vấn đề như đặt tên cho con hay chọn tên khởi nghiệp cho công ty v.v…, bạn có thể sử dụng kết hợp cả hai hay ba cách để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Nếu thấy bài viết bổ ích, hãy chia sẻ cho mọi người nhé. Ngoài ra nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn có thể để lại bình luận hoặc liên hệ qua website và messenger. Cám ơn bạn đã xem.
Trả lời